Các bạn “lính mới”, đi xa lần đầu hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm đi phượt chú ý những vật dụng không thể thiếu khi đi phượt sau đây nhé
Bản đồ và la bàn
Là những thứ luôn phải có đối với dân du lịch bụi. Có thể bạn đã thuộc từng chi tiết vùng đất đó qua trí nhớ, nhưng vào ban đêm, lạc lõng 1 mình, mất phương hướng, thì bản đồ và la bàn thật sự trở nên hữu dụng. Hãy cố gắng luôn mang theo bên mình trong mọi chuyến đi.
Quần áo đi phượt

Là thứ tất nhiên phải được chuẩn bị chu đáo cho mọi chuyến đi. Chuẩn bị chu đáo về trang phục giúp bạn giữ ấm trong thời tiết giá lạnh, có sẵn quần áo tháy thế khi gặp lúc mưa gió, quần áo dài chống lại sự tấn công của côn trùng, gai góc, trầy xước, hay chỉ đơn giản là thay đổi bộ quần áo mới khô thoáng khi người đã ướt sũng mồ hôi sau một hành trình dài.
Thức ăn và nước uống đi phượt
Nước và thức ăn dự trữ trong chuyến đi là những cứu cánh cực kì quan trọng cho các bạn, nhất là trong các chuyến đi bạn không lường được hết những tình huống khó khăn phía trước, đặc biệt trong các chuyến hiking và trekking dài.

Trong những tình huống khó khăn, cần phải có những quyết định sáng suốt trong khi bạn lại vô cùng mệt mỏi va thiếu tập trung, lúc đó một miếng bánh nhỏ, một ngụm nước mát có thể sẽ là phương pháp hữu hiệu nhất để bạn tĩnh tâm trở lại và có quyết định sáng suốt đúng mực hơn.
Hộp đồ sơ cứu

Bạn không bao giờ lường trước được tất cả các tình huống có thể xảy ra trên đường đi. Một vết côn trùng cắn, một vết rách hay xước do va đập, do ngã xe, một cơn đau đầu đơn giản hay lên cơn … “tào tháo đuổi” do một vài món đặc sản địa phương nào đó … Mọi tình huống bạn đều phải nghĩ đến và chuẩn bị để có một bộ đồ sơ cứu tốt nhất cho mình và cho đoàn của mình.
Diêm và bật lửa
“Tôi không hút thuốc thì tôi cần gì đến những thứ này” – chắc hẳn nhiều bạn sẽ nghĩ như vậy. Có thể các bạn ít khi nghĩ đến hoặc tin tưởng rằng mình sẽ không bao giờ phải đi trong đêm, cắm trại giữa rừng, lạc ở đâu đó mà không biết làm sao báo hiệu cho người khác.
Vì vậy, không thừa nếu trong hành lý của bạn có một chiếc đá đánh lửa, một hộp diêm chống nước và hơn nữa là biết làm sao để nhóm được lửa lên.
Đèn pin đi phượt
Dù rằng chuyến đi của các bạn dự tính chỉ đi vào ban ngày nhưng một chiếc đèn pin nhẹ, gọn trong balo cũng không bao giờ là thừa. Bạn đi ngang qua một miệng hang, tính tò mò thôi thúc bạn đi vào, nhưng không có đèn pin làm sao bạn vào.
Đêm ngủ trên bản, muốn mò đi tìm chỗ giải quyết tâm sự, không có đèn pin bạn có thể đánh thức cả phòng dậy. Hỏng xe giữa đường lúc trời sập tối, bạn có thừa khả năng tự sửa xe, nhưng không có đèn pin soi sáng ….. Và còn nhiều nhiều trường hợp nữa.
Dao đi phượt

Cũng như đèn pin hay bật lửa vậy, một con dao đi phượt cũng là thứ mang thì thừa, không mang thì lại thấy thiếu. Nhưng thực sự là nó là thứ không nên thiếu trong chuyến đi.
Dây thừng
Bạn mua thêm một đống đồ ở điểm du lịch, bạn cần chằng buộc vào xe, lúc đó bạn cần gì? Hoặc cao hơn nữa, khi bạn muốn thử tụt xuống một đoạn dốc xem chân dốc có gì, lúc đó đừng liều mạng đi thẳng xuống nhé. Một cuộn dây khoảng 10m là hòan toàn cần thiết.
Mảnh áo mưa hoặc võng đa năng
Sử dụng trong rất nhiều trường hợp với rất nhiều tính năng khác nhau mà có lẽ cứ phải mang đi theo bạn mới nhận ra hết được.
Lều cắm trại đi phượt
Lều cắm trại cũng là một vật dụng không thể thiếu đối với những ai đi phượt thích hòa mình vào thiên nhiên, lều cắm trại nên chọn những thương hiệu nổi tiếng như Eureka, Nature Hike có chỉ số chống thấm nước cao, một mẹo nhỏ khi lựa chọn kích thước lều cắm trại là, khi đi 1 người bạn nên mua lều cắm trại 2 người, đi 2 người thì mua lều cắm trại 4 người như vậy khi ngủ sẽ thoải mái hơn.
Một số lưu ý dành cho người mới đi Phượt
Balô gọn gàng và sắp xếp khoa học, đầy đủ đồ dùng cá nhân, dễ lấy đồ khi cần thiết. Balô nên có dây đeo vai mềm, có dây thắt ngang bụng và ngang ngực để giảm tải trong trường hợp phải đeo và đi bộ nhiều.
Nên mặc áo thun thoáng mát bên trong và áo khoác nhẹ bên ngoài khi di chuyển, trong mọi thời tiết. Quần rộng rãi, thoải mái, tránh bó sát ống hay chật đũng, sẽ gây khó chịu khi đi lại. Quần hay áo khoác nhẹ nên chọn loại có nhiều túi nhỏ để có thể đựng vài vật dụng quan trọng như điện thoại, tiền bạc, giấy tờ, đồ ăn nhanh..
Trừ khi xuống biển hoặc đi lại bằng phương tiện giao thông tiện nghi như máy bay, taxi, ôtô riêng, nếu đã di chuyển đường dài bằng xe máy hay các phương tiện giao thông công cộng, bạn hoàn toàn nên sử dụng giày để bảo vệ đôi chân, tránh các rủi ro. Rất nguy hiểm nếu bạn đi xăngđan leo núi, hoặc bạn nữ mang giày cao gót khi đi “phượt”. Nên mang theo một đôi dép loại nhẹ để thay đổi khi cần như lội suối, đi trong nhà, trên phố buổi tối.
Mũ vải mềm, kính đeo mắt, khẩu trang, găng tay hạt nhựa là những đồ dùng rất hữu ích khi đi du lịch “bụi”. Đặc biệt có một loại kính trắng dùng đi xe buổi tối rất phù hợp, vừa ngăn được bụi, côn trùng, tránh lóa mắt trong khi bạn vẫn có thể quan sát đường sá và cảnh vật.
Trên thị trường hiện có bán loại khăn đa năng hình ống bằng vải thun, cả nam lẫn nữ đều có thể dùng để làm khăn giữ ấm cổ, bịt mặt khi di chuyển hoặc buộc đầu, thậm chí buộc tóc rất gọn nhẹ và tiện lợi, giá 40.000-50.000 đồng/cái.
Nên mang theo khăn giấy ướt, nước rửa tay khô, dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt đựng trong chai nhỏ. Quần áo mưa bộ, túi nilông bọc đồ, nhất là túi nilông bọc đồ điện tử như máy ảnh, điện thoại, máy nghe nhạc, túi đựng quần áo bẩn và rác.