Nếu có dịp đi Tây Bắc, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của núi non, vẻ chân chất của phong cách sống vùng cao và tìm hiểu văn hóa bản sắc các dân tộc thiểu số, bạn đừng bỏ qua chợ phiên Bắc Hà họp vào chủ nhật hàng tuần từ sáng sớm đến khoảng xế chiều.

Được biết đến là chợ vùng cao lớn nhất Lào Cai, phiên chợ Bắc Hà tập trung rất nhiều thương lái ở các dân tộc xa gần. Họ đến để trao đổi, buôn bán các vật dụng trong gia đình, thực phẩm, nguyên vật liệu, dụng cụ lao động… Mặc dù chợ mới đã được xây trên nền bê tông kiên cố, nhưng vẻ hoang sơ của những gánh hàng nhỏ ven theo lối đi, đến những món hàng dân dã chỉ được tìm thấy ở nơi này, cũng đã chứng minh cho nét truyền thống rất riêng của chợ phiên.

Hoành tráng nhất có lẽ là mặt hàng vải thổ cẩm do chính các chị em vùng cao thực hiện. Bạn có thể tìm thấy bất cứ vật dụng từ đơn giản như chiếc khăn tay, ví, túi đeo… cho đến những món đồ cầu kì như váy, áo, mũ đủ mọi sắc màu và hoa văn. Có những món tinh xảo đến mức thời gian thực hiện nó cũng mất vài tháng. Bạn có bao giờ thắc mắc ở vùng cao thời tiết lạnh lẽo, đồng bào dân tộc họ giữ ấm bằng cách nào? Hãy thử khoác lên mình chiếc váy, hay chiếc áo choàng làm bằng thổ cẩm, bạn sẽ có câu trả lời cho mình ngay lập tức!

Ngoài vải vóc áo quần, dao đi rừng, người dân tộc còn mang trâu đến chợ để bán. Khu chợ trâu luôn là nơi sầm uất nhất nhì ở phiên chợ Bắc Hà. Cả một khoảng đất rộng trên ngọn đồi đủ sức chứa cho hàng trăm người đứng mua bán, mặc cả. Ở đây, trâu trắng – đen, đực – cái, to – nhỏ có đầy đủ. Giá cả dao động tùy vào mục đích sử dụng, mua về để cày cấy hoặc lấy thịt. Mình nghe loáng thoáng cũng vài chục triệu đồng một con. Khu vực này tập trung chủ yếu là cánh đàn ông. Họ tuyển chọn, bàn tán, đánh giá rất kĩ lưỡng trước khi quyết định “tậu” một con. Cạnh đó, theo lối đi xuống, một vài người cũng bán chó, heo, gia cầm của dân tộc Mông, Dao.

Một món đặc sản được “đóng mác” không-thể-bỏ-lỡ khi đến phiên chợ Bắc Hà là thắng cố. Với những ai chưa hình dung được món ăn này, chắc chắn bạn sẽ tò mò. Theo truyền thống của dân tộc Mông, Tày, Nùng, thắng cố được nấu từ thịt và nội tạng của ngựa. Về sau, người ta biến tấu bằng thịt trâu, thịt heo, nhưng vẫn không thể sánh bằng “phiên bản gốc”. Nếu bạn đã ăn được món phá lấu, thì món thắng cố về cơ bản có nhiều điểm tương đồng. Thắng cố phải ăn nóng, dùng kèm với rượu ngô, bảo đảm làm ấm lòng giữa tiết trời rét buốt mùa đông. Khu ẩm thực chợ phiên Bắc Hà rộng với rất nhiều gian, hầu như gian nào cũng có bán món này. Bạn sẽ bắt gặp rất nhiều người dân tộc ngồi ăn một cách rất ngon lành. Họ nói rằng: “Chỉ chờ đến họp chợ để được ăn món này. Ở xa đến, dù không mua gì nhưng được ăn một bát thắng cố là thấy vui rồi!”

Trả lời